Latest and Trending Videos

Trending Vidoes From icokhi.blogspot.com

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Khái niệm về tính lắp lẫn trong gia công cơ khí.
- Máy do nhiều bộ phận hợp thành, mỗi bộ phận do nhiều chi tiết được lắp ghép với nhau trong chế tạo mới cũng như sửa chữa, những nhà thiết kế mong muốn các chi tiết cùng loại có khả năng lắp lẫn được với nhau nghĩa là khi cần thay thế nhau không cần phải lựa chọn và gia công chế biến gì thêm vẫn bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của mối ghép. Tính chất đó của chi tiết được gọi là tính lắp lẫn, vì vậy tính lắp lẫn của chi tiết là khả năng thay thế cho nhau khi cần thiết. Các chi tiết có tính lắp lẫn phải giống nhau về hình dạng, kích thước hoặc nếu có khác nhau chỉ một số lãnh vực nhỏ trong phạm vi cho phép. Vấn đề này gọi là dung sai. Vậy dung sai là yếu tố quyết định cho tính lắp lắp lẫn của chi tiết, phụ thuộc vào độ lớn của dung sai quy định chi tiết sẽ đạt được tính lắp lẫn hoàn toàn hay lắp lẫn không hoàn toàn. Lắp lẫn hoàn toàn yêu cẩu chi tiết phải đạt được độ chính xác cao vì vậy giá thành sản phẩm sẽ cao. Với các chi tiết được sản suất theo tiêu chuẩn để dùng cho công việc thay thế thông thường được chế tạo với một dung sai lớn thì có tính lắp lẫn hoàn toàn. - Trong chế tạo máy tính lắp lẫn là một điều kiện rất cần thiết trong nền sản xuất hiện đại, gia công chế tạo hàng loạt nếu chi tiết không bảo đảm quy định của tính lắp lẫn thì không thể sử dụng một cách bình thường. Lợi ích của tính lắp lẫn là làm việc lắp ráp trở nên đơn giản, công việc sửa chửa máy khi thay thế một chi hay nhiều chi tiết hư hỏng bằng một chi tiết dự trữ cùng loại thì sẽ rút ngắn thời gian và máy có thể hoạt động nhanh hơn, giảm thời gian ngừng máy khi sửa chửa. Về mặt công nghệ chế tạo nếu các chi tiết được thiết kế và chế tạo có tính lắp lẫn cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong hợp tác sản xuất giữa các công ty giúp nâng cao chất lượng, nâng cao năng suất và dể dàng áp dụng các kỹ thuật tiến tiến. Như vậy tính lắp lẫn của chi tiết có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế và kỹ thuật

Khái niệm về tính lắp lẫn trong gia công cơ khí.

By: Unknown on: 17:01
KÍch thước và kích thước danh nghĩa.
Kích thước là giá trị bằng số của một đại lượng đo ( đường kính, chiều dài v.v… ) theo một đơn vị đo được lựa chọn. Trong công nghệ chế tạo máy, đơn vị đo thường dùng là milimet ( mm ) và được quy ước thống nhất trên các bản vẽ không cần phải ghi chữ mm. Thí dụ : chi tiết có đường kính 40mm, dài 120mm trên bản vẽ chỉ cần ghi phi 40 và 120 là đủ. - Kích thước danh nghĩa: Kích thước danh nghĩa là kích thước được xác định căn cứ vào chức năng của chi tiết chọn đúng với trị số gần nhất có trong bảng tiêu chuẩn. Thí dụ : Khi tính toán thiết kế xác định được kích thước của chi tiết cần đạt đến là phi 41,23 sau khi đối chiếu với bảng kích thước tiêu chuẩn chọn kích thước cho chi tiết cần gia công là phi 42. Kích thước mm này chính là kích thước danh nghĩa của chi tiết. Kích thước danh nghĩa được sử dụng để xác định các kích thước giới hạn và để tính sai lệch. Kích thước danh nghĩa của chi tiết lỗ được ký hiệu là D và ở trục ký hiệu là d.

Kích thước và kích thước danh nghĩa.

By: Unknown on: 17:00
Kích thước thực , Kích thước giới hạn
Kích thước thực: là kích thước được đo trực tiếp trên chi tiết bằng những dụng cụ đo và phương pháp đo chính xác nhất có thể được. Trong thực tế không phải lúc nào cũng xác định được kích thước thực một cách chính xác vì vậy người ta cho phép một quan niệm: kích thước thực là kích thước xác định bằng cách đo với sai số cho phép. Kích thước thực được ký hiệu như sau: - Dt : kích thước thực của chi tiết lỗ. - dt: kích thước thực của chi tiết trục. Khi gia công chế tạo khó có thể đạt được kích thước thực một cách hoàn toàn đúng như kích thước danh nghĩa. Sai lệch giữa kích thước thực và kích thước trong thiết kế phụ thuộc rất nhiều yếu tố trong chế tạo như : độ cứng vững của máy, dao, dụng cụ đo, độ chính xác của máy, cách gá lắp….Độ lớn sai lệch cho phép kích thước của chi tiết phụ thuộc vào mức độ chính xác yêu cầu của chi tiết và chức năng hoạt động của nó. Kích thước giới hạn: Khi gia công các kích thước của chi tiết, người thiết kế cần quy định một giới hạn phạm vi cho phép của sai số trên kích thước đó. Phạm vi cho phép đó được giới hạn bởi hai kích thước quy định gọi là kích thước giới hạn. Kích thước giới hạn được ký hiệu như sau: + Dmax, dmax : Kích thước giới hạn lớn nhất của lỗ và trục. + Dmin, dmin : Kích thước giới hạn nhỏ nhất của lỗ và trục. Kích thước giới hạn là hai kích thước lớn nhất và nhỏ nhất mà kích thước thực của chi tiết đạt được yêu cầu nằm trong phạm vi đó. Phạm vi cho phép được quy định sao cho chi tiết đạt được tính lắp lẫn về kích thước. Như vậy để chi tiết đạt yêu cầu khi thỏa các điều kiện sau: Dmax ≥ Dt ≥ Dmin dmax ≥ dt ≥ dmin

Kích thước thực , Kích thước giới hạn

By: Unknown on: 16:56
DUNG SAI
Trong quá trình chế tạo các chi tiết, kích thước thực tế được phép sai khác so với kích thước danh nghĩa trong phạm vi giữa hai kích thước giới hạn. Phạm vi sai số cho phép này được gọi là dung sai. Vậy dung sai là hiệu số giữa kích thước giới hạn lớn nhất và kích thước giới hạn nhỏ nhất. Dung sai ký hiệu là IT và tính theo công thức: Đối với chi tiết lỗ : ITD = Dmax - Dmin Đối với chi tiết trục : ITd = dmax - dmin Chú ý : Kích thước giới hạn lớn nhất bao giờ cũng lớn hơn kích thước giới hạn nhỏ nhất. Chính vì điều này dung sai bao giờ cũng có một giá trị dương ( IT > 0 ). Trị số dung sai càng lớn, độ chính xác của chi tiết càng thấp và ngược lại khi trị số dung sai nhỏ bao giờ độ chính xác của chi tiết cũng cao hơn. Chi tiết gia công chỉ đạt yêu cầu khi thỏa mãn điều kiện sau: dmax ≥ dt ≥ dmin Dmax ≥ Dt ≥ Dmin Dt và dt : Kích thước thực của lỗ và trục. Thí dụ : Chi tiết lỗ có kích thước danh nghĩa D = 60mm, kích thước giới hạn lớn nhất Dmax = 60,052mm, kích thước giới hạn nhỏ nhất Dmin = 60,028mm. Tính dung sai chi tiết và nếu gia công chi tiết đạt kích thước 60,00mm thì chi tiết có đạt yêu cầu không ? + Dung sai chi tiết ITD = Dmax - Dmin = 60,052 - 60,028 = 0,024mm + Kích thước chế tạo đạt là kích thước thực 60,00mm Ta có Dt = 60,00mm < Dmin = 60,028mm Như vậy chi tiết không đạt yêu cầu về dung sai.

DUNG SAI

By: Unknown on: 16:55
Sai lệch giới hạn
Sai lệch giới hạn là sai lệch các kích thước giới hạn so với kích thước danh nghĩa. Sai lệch giới hạn bao gồm sai lệch giới hạn trên và sai lệch giới hạn dưới. 1- Sai lệch giới hân trên là hiệu đại số giữa kích thước giới hạn lớn nhất và kích thước danh nghĩa. Sai lệch giới hạn trên được ký hiệu es hoặc ES với : + Sai lệch giới hạn trên của chi tiết trục: es = dmax – d + Sai lệch giới hạn trên của chi tiết của chi tiết lỗ: ES = Dmax – D 2- Sai lệch giới hạn dưới là hiệu đại số giữa kích thước giới hạn nhỏ nhất và kích thước danh nghĩa. Sai lệch giới hạn dưới ký hiệu là ei hoặc EI với : + Sai lệch giới hạn dưới của chi tiết trục: ei = dmin – d + Sai lệch giới hạn dưới của chi tiết lỗ: EI = Dmin – D Cần chý ý : tùy theo từng tính chất của mối ghép yêu cầu mà giá trị của kích thước giới hạn có nhũng giá trị khác nhau.Sai lệch giới hạn có giá trị > 0 khi kích thước giới hạn lớn hơn kích thước danh nghĩa. Sai lệch giới hạn bằng 0 khi kích thước giới hạn bằng kích thước danh nghĩa. Sai lệch giới hạn có giá trị < 0 khi kích thước giới hạn nhỏ hơn kích thước danh nghĩa.

Sai lệch giới hạn

By: Unknown on: 16:55
KHÁI NIỆM VỀ LẮP GHÉP
Thông thường nếu các chi tiết máy đứng riêng lẽ thì không có một công dụng gì. Nhưng khi được tổ hợp chúng lại với nhau, lúc này các chi tiết mới phát huy công dụng. Thí dụ: Trục lắp vào ổ trục mới có khả năng truyền chuyển động quay tròn, truyền lực…tất cả sự lắp ghép, tổ hợp này tạo thành mối ghép. Trong các mối ghép có những kích thước, bề mặt mà căn cứ vào đó để lắp ghép các chi tiết máy với nhau. Bề mặt các kích thước đó được gọi là bề mặt lắp ghép và kích thước lắp ghép. Các mặt lắp ghép cũng có thể là mặt hình trụ, cũng có thể là mặt phẳng và bao giờ cũng gồm có mặt của chi tiết bao ngoài và mặt của chi tiết bị bao. Chi tiết bao ngoài còn gọi là chi tiết lỗ và chi tiết bị bao gọi là chi tiết trục. Mỗi mối ghép bất kỳ nào đều có cùng một kích thước danh nghĩa cho cả hai chi tiết và gọi là kích thước danh nghĩa của lắp ghép. Đặc tính của lắp ghép được xác định bởi hiệu số của kích thước bao và kích thước bị bao trong lắp ghép. + Nếu hiệu số đó có giá trị dương thì mối ghép đó là mối ghép có độ hở. + Nếu hiệu số này có giá trị âm thì mối ghép đó là mối ghép có độ dôi. Tiêu chuẩn TCVN 2244 – 77 mối ghép được chia ra làm ba loại : Mối lắp ghép có độ hở, mối lắp ghép có độ dôi và mối lắp ghép trung gian.

KHÁI NIỆM VỀ LẮP GHÉP

By: Unknown on: 16:54
Lắp ghép có độ hở.
Lắp ghép có độ hở hay còn gọi là lắp lỏng, trong mối ghép này kích thước của lỗ luôn lớn hơn kích thước của trục. Độ hở trong mối ghép có thể hiểu là sự tự do dịch chuyển tương đối với nhau giữa hai chi tiết trong mối lắp. Độ hở càng lớn thì khả năng dịch chuyển tương đối càng nhiều và ngược lại. Độ hở trong mối ghép là hiệu số giữa kích thước của lỗ và kích thước của trục được ký hiệu là S. S = D – d Các kích thước thực tế của chi tiết dao động trong giới hạn dung sai đã cho nên độ hở cũng sẽ dao động trong một phạm vi nhất định. Nếu khi lắp một chi tiết lỗ có kích thước giới hạn lớn nhất là Dmax với kích thước trục có kích thước giới hạn nhỏ nhất dmin thì độ hở lớn nhất sẽ là : Smax. Độ hở lớn nhất là hiệu số dương giữa kích thước giới hạn lớn nhất của lỗ và kích thước giới hạn nhỏ nhất của trục hoặc là hiệu số đại số giữa sai lệch giới hạn trên của lỗ và sai lệch giới hạn dưới của trục. Smax = Dmax – dmin = ES - ei Ngược lại nếu khi lắp chi tiết lỗ có kích thước giới hạn nhỏ nhất với chi tiết trục có kích thước giới hạn lớn nhất thì mối ghép có độ hở nhỏ nhất = Smin. Độ hở nhỏ nhất là hiệu số dương giữa kích thước giới hạn nhỏ nhất của lỗ và kích thước giới hạn lớn nhất của trục hoặc là hiệu số đại số giữa sai lệch giới hạn dưới của lỗ và sai lệch giới hạn trên của trục. Smin = Dmin - dmax = EI - es Vậy độ hở trung bình của mối ghép Stb là trung bình cộng giữa độ hở lớn nhất và độ hở nhỏ nhất. Để đánh giá độ chính xác của mối ghép người ta dùng khái niệm dung sai của mối ghép đó chính là dung sai độ hở trong mối ghép có độ hở.

Lắp ghép có độ hở.

By: Unknown on: 16:53

 

Our Team Members

Copyright © icokhi.blogspot.com | Designed by Templateism.com | WPResearcher.com